Nỗ lực từ năm 2010, nhà giáo có thể sống bằng lương

Lượt xem:


(GD&TĐ) – Đời sống của giáo giới luôn là nỗi ưu tư của các cấp quản lý nhà nước và toàn xã hội, lo cho các thầy cô có thể sống được bằng chính đồng lương của mình là mong muốn và là cố gắng rất lớn của các cấp lãnh đạo, những chế độ đãi ngộ, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp vùng miền luôn được thực hiện đầy đủ. Mới đây, nhằm động viên, khuyến khích nhà giáo gắn bó với nghề, tạo điều kiện để các nhà giáo yên tâm và dành tâm huyết hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 81 qui định nhà giáo được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên.

Đã có rất nhiều những quan tâm dành cho giáo giới, nhưng những biến động về giá cả và kinh tế không khỏi làm chậm bước những mong mỏi thay đổi này. Sắp bước vào năm mới 2010, Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Văn Ngữ về những cố gắng của Bộ GD&ĐT để hướng đến năm 2010, các nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.

 

10.jpg

Giảng viên trẻ hướng dẫn thực hành sinh học (Đại học Nông nghiệp Hà Nội)

PV: Được biết Bộ GD&ĐT đã từng đề xuất Chính phủ tăng hệ số ưu đãi cho giáo viên, vậy việc này thế nào, và hiện nay giáo viên đang được hưởng những chế độ phụ cấp ưu đãi gì, thưa ông?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Ngữ: Năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất tăng hệ số ưu đãi bình quân cho giáo viên bình quân lên 1.7 lần. Đây là mức đề xuất hệ số ưu đãi gắn với hệ số ưu đãi của lực lượng vũ trang (bộ đội, công an là 1,8). Tuy nhiên, Chính phủ đã bàn bạc và không chấp thuận với lý do đội ngũ giáo viên ngành giáo dục đã và đang được hưởng hệ số đứng lớp theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường công lập như sau: Nhà giáo dạy cao đẳng, đại học là 25%; nhà giáo dạy trung học cơ sở, trung học phổ thông, ở đồng bằng, thành phố là 30%; nhà giáo dạy mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở miền núi, hải đảo vùng sâu vùng xa là 35%; nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học) là 40%; nhà giáo dạy môn Máclênin là: 45% và giáo viên dạy mầm non, tiểu học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là 50%. Bình quân hệ số phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy là 35%.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2006NĐ-CP ngày 20/6/2006 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường năng khiếu thể dục thể thao; trường năng khiếu nghệ thuật; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường dự bị đại học; Mức phụ cấp 70% mức lương áp) dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang cộng tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật và Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

 

11.jpg
Nhiều giáo viên găn bó với nghề ở vùng sâu, vùng xa,
vùng giáo dục khó khăn

PV: Cho dù đã có nhiều phụ cấp ưu đãi, tăng lương cho giáo viên, tuy nhiên do trượt giá, lạm phát hàng năm nên đời sống người giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn, quan điểm của ông về việc này thế nào?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Ngữ: Trong giai đoạn từ 2006-2012 chính phủ đã có lộ trình tăng mức lương tối thiểu chung của tất cả cán bộ công chức. Cụ thể là: Năm 2006: mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng; Năm 2007 mức lương tối thiểu chung 450.000đồng/tháng; Năm 2008 mức lương tối thiểu chung 540.000đồng/tháng; Năm 2009 mức lương tối thiểu chung 650.000đồng/tháng; Năm 2010 dự kiến mức lương tối thiểu chung tăng 730.000đồng/tháng.

Có thể thấy là thu nhập danh nghĩa của giáo viên hàng tháng đã tăng gấp 2,08 lần (730.000 đồng/350.000 đồng). Lạm phát từ sau năm 2006 đến nay như sau: Năm 2007, lạm phát 12,7 %; Năm 2008, lạm phát 19,8%; Năm 2009, lạm phát là 7%. Lạm phát 3 năm qua là: (l+12,7%) x (l+19,8%) x (l+70/o) – l = 1,44,6 (hay 44,6%). Như vậy, thu nhập thực tế của giáo viên đã tăng 1,44 lần (2,085/1 ,446). Nếu một giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường năm 2010 sẽ có mức lương như sau: 730.000 đồng x 2,34 x 1,35 = 2,306 triệu đồng/tháng (Mức lương tối thiểu nhân với hệ số lương cơ bản nhân hệ số phụ cấp ưu đãi bình quân chung toàn ngành). Nếu ở vào thời điểm 2006 thì giáo viên này có mức lương là: 350.000 đồng x 2,34 x 1,35 = 1,105 triệu đồng/tháng (Mức lương tối thiểu nhân hệ số lương cơ bản nhân hệ số phụ cấp ưu đãi bình quân chung toàn ngành). Qua đó thấy được mức sống của giáo viên vào năm 2010 sẽ được cải thiện đáng kể so với năm 2006.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa được Quốc hội thông qua đã đồng ý có mức phụ cấp thâm niên cho giáo viên. Trong năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp cùng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ sẽ trình Thủ tướng giải quyết cụ thể về phụ cấp thâm niên, từ đó thu nhập thực tế của giáo viên sẽ tiếp tục được nâng lên, nhất là những người đã cống hiến lâu năm cho ngành giáo dục.

Mặc dù, khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến phát triển kinh tế, xã hội, thu ngân sách ở Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đang hướng đến từ năm 2010 trở đi, các nhà giáo có thể sống được bằng lương của mình.

Xin cám ơn ông!

                                                                                      Ngọc Dư (Thực hiện)