Ổn định đời sống giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy

Lượt xem:


– Nhà ở công vụ giáo viên luôn thiếu và là vấn đề trăn trở của các cấp QLGD tại nhiều địa phương. Thanh Sơn (Phú Thọ) tuy là một huyện miền núi nhưng nhờ biết cách lồng ghép các nguồn lực tài chính nên đã giải quyết tốt vấn đề này.

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Thanh Sơn, toàn huyện có 75 trường học PT các cấp (trong đó MN: 24 trường; TH: 27 trường; THCS: 24 trường thuộc 22 xã và 01 thị trấn). Tổng số CBQL-GV có 2.445 người. Có 746 giáo viên thuộc diện ở nội trú tại tất cả 75/75 trường.

 

Bức xúc nhà công vụ  

Trường THCS Võ Miếu, Thanh Sơn, Phú Thọ hôm nay có cảnh quan sư phạm đẹp. Ảnh gdtd.vn

Cô Nguyễn Thị Lợi, Hiệu trưởng trường THCS Võ Miếu, Thanh Sơn, Phú Thọ cho biết: trường thuộc địa bàn một xã trung du miền núi, dân cư thưa thớt và phân tán, có rất ít giáo viên bản địa. Hầu hết giáo viên ở trường được điều động từ xa về nhận công tác, do vậy nhà ở công vụ giành cho CB-GV ở đây rất khó khăn.

Theo cô Lợi cho biết, từ năm 2008 trở về trước, quy mô học sinh của trường rất lớn. Năm học cao điểm nhất, 2008-2009, trường có 1.166 học sinh với 28 lớp; lượng giáo viên ở xa được điều động về trường giảng dạy lên đến 30 người.  

Thời gian này chưa có nhà công vụ, nhu cầu nhà ở trở thành vấn đề bức xúc đối với các giáo viên có nhu cầu ở nội trú. Do vậy, nhà trường phải tận dụng một căn nhà cấp 4 (được xây dựng từ năm 1978) đã xuống cấp, không đủ điều kiện làm phòng học để tu sửa tạo thành 6 phòng ở cho các giáo viên nội trú. 

 

Gọi là có nhà để cho giáo viên lấy chỗ sinh hoạt nhưng điều kiện ăn ở lúc đó hết sức khó khăn và tạm bợ, cô Lợi chia sẻ, gọi là phòng ở nhưng có đến 4-5 cô ở một phòng, rất chật  chội. Thêm nữa, vì là nhà cải tạo nên trong những ngày mưa bão, cả trường lo lắng cho các giáo viên ở khu nội trú, chỉ lo nhà đổ tường sập mái.

 

Ổn định đời sống giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy

Dãy nhà công vụ cho giáo viên gồm 10 phòng của trường THCS Võ Miếu được xây  dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đang phát huy tốt hiệu quả đồng vốn. Giáo viên nội trú có đất canh tác hoa màu ngay trong khuôn viên ở nội trú. Ảnh, gdtd.vn

Năm 2005, từ nguồn vốn xã hội hóa, nhà trường xây cất được 5 phòng nhà ở công vụ kiên cố, (kinh phí xây lắp do Đại học Hùng Vương hỗ trợ 90 triệu đồng, chính quyền địa phương bố trí quỹ đất cùng một số nguồn tài chính, nhân lực khác huy động từ nhân dân địa phương). Nhà trường đã họp bình xét cho 5 hộ gia đình giáo viên nội trú bức xúc nhất về nhà ở dọn đến khu nhà mới. Số còn lại 8 hộ gia đình và các giáo viên nội trú khác (tất cả gần 20 GV) vẫn phải ở nhà tạm.

 

Sang năm 2008, nhà trường được hưởng lợi từ Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên của Chính phủ (giai đoạn 2008-2012) 10 phòng nhà công vụ cho giáo viên. 

 

Hiện nay toàn trường có 17 giáo viên ở nội trú đều được bố trí nhà ở công vụ. Không những thế, theo cô Lợi, địa phương giao 6.000 m2 đất cho nhà trường thực hiện Đề án xây nhà công vụ cho giáo viên. Khi thực hiện , đất xây dựng chỉ dùng hết 3.000m2, diện tích còn lại được giao toàn bộ cho các hộ giáo viên nội trú ở đây canh tác rau màu, chăn nuôi gia cầm cải thiện đời sống. Do vậy CB-GV ở đây rất yên tâm công tác, đảm bảo chất lượng dạy và học của trường. 

 

Hiện nay, các cháu nhỏ của các gia đình giáo viên nội trú có điều kiện vệ sinh, vui chơi sạch sẽ do khu nhà nội trú được đầu tư xây dựng khá đồng bộ từ sân chơi, công trình phụ, bể nước…. Kinh phí xây dựng các hạng mục phụ trợ khác như đường ống nước sạch, điện lưới phục vụ sinh hoạt cho giáo viên được huy động từ các nguồn lực xã hội hóa.

 

Giáo viên Bùi Thị Minh, cùng giảng dạy tại trường THCS Võ Miếu đánh giá, nhà công vụ của Nhà nước trang bị cho giáo viên tương đối đầy đủ các hạng mục cần thiết và khang trang. Trước đây ở nhà tạm, hai vợ chồng chỉ mơ ước được ở một căn nhà vững chãi. Hai anh chị đã có một cháu nhỏ, khi được dọn về ngôi nhà mơ ước, nhà công vụ cho giáo viên, cảm thấy rất yên tâm công tác. Có nhà ở ổn định rồi, vợ chồng mạnh dạn mua sắm các tiện nghi nội thất như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy tính… chị Minh cho biết.

 

Cũng như vợ chồng cô giáo Minh, giáo viên Nguyễn Thị Kim Hoa, trường Mầm Non xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ cùng các giáo viên nội trú khác cũng được hưởng lợi từ Đề án này của Chính phủ; Chị Hoa chia sẻ: là một giáo ở xa nhà, được Chính phủ, địa phương và nhà trường quan tâm, xây dựng cho các giáo viên ở đây nhà ở công vụ khang trang, nên tập thể giáo viên ở đây rất cảm động và sẽ cố gắng nỗ lực để công tác tốt, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp nhằm đền đáp xứng đáng sự quan tâm đó của ngành GD-ĐT, của Chính phủ.

 

Cách phát huy hiệu quả đồng vốn

 Khu nhà ở công vụ (trường Mầm Non xã Địch Quả, Thanh Sơn) nơi cô giáo Hoa ở là điển hình cho cách huy động và lồng ghép nguồn vốn đầu tư của Chính phủ với các nguồn lực khác của huyện, tại đây TƯ hỗ trợ 60% vốn, người dân đóng góp công san nền, tiền xây dựng các hạng mục phụ trợ khác tương đương 40% vốn còn lại… Ảnh, gdtd.vn

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thanh Sơn Bùi Hữu Khánh cho biết: Trong giai đoạn 2008-2010 của Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên, toàn huyện đã xây dựng 255 phòng nhà công vụ giáo viên với tổng mức đầu tư trên 17,1 tỷ đồng. Trong đó, vốn trái phiếu chính phủ hỗ trợ 14 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương từ các nguồn xã hội hóa là 3,1 tỷ đồng. 

 

Tính chung các nguồn vốn cho đến nay, toàn huyện đã xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả 399 phòng nhà ở công vụ cho giáo viên. 

 

Ông Khánh cho biết, xác định rõ giáo viên-học sinh, con em các dân tộc của địa phương là đối tượng hưởng lợi lâu dài và bền vững của Đề án; do vậy địa phương đã tranh thủ nguồn vốn từ Đề án và tích cực, chủ động huy động sự đóng góp của các cá nhân, tập thể có tấm lòng hảo tâm hoàn thiện các hạng mục của nhà công vụ giáo viên: xây dựng sân chơi, đường đi nội bộ trong khu nhà.

 

Huyện đã giao cho chính quyền, nhân dân các xã, thị trấn, các nhà trường tiếp tục đầu tư bổ sung, nâng cấp một số hạng mục của công trình nhà công vụ như: đường dẫn nước, hệ thống tường rào bao quanh, bàn ghế của giáo viên làm việc tại khu nội trú …

 

Đồng thời, giáo viên, học sinh, nhân dân các địa phương đã tham ra ủng hộ nhiều ngày công để tạo mặt bằng xây dựng, đây cũng là một hình thức thiết thực nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng, giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo cảnh quan khu nội trú sạch sẽ, gọn gàng.

 

Ông Khánh cũng cho biết: địa phương đã ưu tiên giành quỹ đất phù hợp để xây nhà công vụ giáo viên theo kế hoạch, đảm bảo về diện tích xây dựng; quy hoạch nhà công vụ tập trung cho các trường MN, TH, THCS trên địa bàn xã.  Bên cạnh đó, ngoài diện tích xây dựng nhà công vụ, địa phương còn có phương án giao đất đảm bảo diện tích sân chơi phù hợp, đường đi lối lại thuận tiện, có đủ diện tích tối thiểu để giáo viên trồng rau, màu phục vụ sinh hoạt hàng ngày; khu nhà công vụ giáo viên gần trường nhưng không nằm trong khuôn viên để đảm bảo trường đủ đất xây dựng theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia.

 

Bá Hải