VỌNG PHU

Lượt xem:


Truyện ngắn

Hoàng Kim

   Tôi vừa bước vào nhà, con gái tôi chạy ào ra đón vẻ mặt hớn hở:
   – Mẹ ơi, có thư của ngoại.
    Tôi cầm phong thư mà thoáng chút lo lắng. Cha tôi hầu như không viết thư cho tôi bao giờ. Nhớ con, nhớ cháu ông đón xe khách vượt đường đến chơi ít hôm rồi về. Mẹ tôi cũng vậy. Chẳng lẽ có chuyện gì sao? Trong thư, cha tôi báo tin: Chị Tâm có thể sẽ không sống được bao lâu nữa, con dàn xếp được thì về thăm chị.

    Tôi thấy bối rối. Chồng tôi đang đi công tác xa, cũng đến hơn nửa tháng nữa mới về. Việc nhà cũng đang rất bề bộn, đi lúc này thật khó. Nhưng không đi không đành. Trong thư, cha tôi nói ông chỉ linh cảm thế thôi, chị Tâm thực ra cũng không đau ốm gì nặng lắm. Điều đó làm tôi tạm yên lòng. Tôi dự tính khi chồng tôi đi công tác về, sẽ dàn xếp một chuyến cùng về thăm quê. Đã gần hai năm rồi còn gì.
     Chị Tâm là chị dâu trong họ nhà tôi. Chị cũng là người có họ với mẹ, gọi mẹ tôi bằng cô. Vì thế, hai nhà khá thân thiết. Chị lớn hơn tôi gần hai chục tuổi. Nhà chị lại chỉ cách nhà tôi một cái bờ rào bằng cây keo. Nói là cái bờ rào cũng không đúng nghĩa, bởi nó chỉ là những cây keo mọc thưa thớt đứng làm ranh giới giữa hai khu vườn. Hai nhà vẫn qua lại bằng lối tắt ấy, không đi bằng đường lớn bao giờ.
    Cái thời tôi mới lên  bốn lên năm, mẹ vẫn cho tôi sang ngủ với chị hằng đêm. Lúc đầu, thèm hơi mẹ nhiều đêm tôi trốn ở nhà, chị cứ để tôi ngủ ngon rồi  bồng tôi sang cho kỳ được. Chị Tâm coi vậy mà nhát tính. Chị rất sợ tiếng kêu tách-tạch-tè-tè… của con thằn lằn cứ điểm cầm canh vào ban đêm. Chị bảo, có tôi nằm bên cũng thấy đỡ quạnh vắng. Lâu ngày quen dần tôi lại thấy thích ngủ với chị Tâm hơn với mẹ. Tôi như nghiện cái mùi hương ngây ngây từ thân thể chị, nhất là từ mái tóc dài luôn thơm ngát mùi hoa chanh. Thỉnh thoảng, chưa bỏ được thói quen với mẹ, tôi  lần tay vào áo mân mê khuôn ngực tròn đầy của chị. Ban đầu, chị gạt tay tôi và mắng: -” Hư!”.  Rồi sau, hình như chị cũng quen dần, có vẻ thích là khác.  Có lúc, chị vén cả áo lên, dúi miệng tôi vào cái núm vú nho nhỏ, hồng hồng của chị và bằng một giọng đầy trìu mến, chị bảo: ” Mẹ cho bú này”, rồi cười khúc khích làm tôi cũng bật cười theo.
    Ban ngày, tôi cũng thường xuyên chạy qua nhà chị. Lúc nào tôi sang, chị cũng có một cái gì đó dành cho tôi: khi thì trái ổi, củ khoai nướng, vài cây kẹo ú hoặc một miếng bánh tráng nhúng đường… Dần dần, giữa chúng tôi đã hình thành một thứ tình cảm như là mẹ con vậy. Có lúc tôi cũng buộc miệng gọi chị bằng mẹ. Tôi ngượng ngùng, còn đôi mắt chị thì sáng long lanh như có ngấn nước.
    Chị Tâm đẹp, một vẻ đẹp dịu dàng. Suốt ngày lam lũ, dãi nắng dầm mưa da chị vẫn cứ trắng ngần. Trong trí óc non nớt của tôi hồi ấy, chị là con thiên nga trong truyện cổ tích vừa trút bỏ lớp áo lông trắng mà biến thành người.
Chị về làm dâu nhà bác tôi chỉ mấy ngày trước khi anh Thìn, chồng chị,  đi tập kết. Bác Sửu trai mất sớm, nhà chỉ một mẹ, một con. Chị nhận lãnh công việc thay anh Thìn chăm sóc mẹ để anh yên tâm lên đường ra Bắc.
    Cha tôi bảo: Thằng Thìn giải được bài toán thật hay, vẹn cả đôi đường.
Mẹ tôi nguýt: Hay, hay lắm đó. Chỉ tính được phần mình, còn đem con người ta về phơi khô. Đời con gái được mấy ngày. Số của con Tâm là số khổ.
Bác Sửu -mẹ anh Thìn- mới ngoài năm mươi nhưng đau yếu quanh năm không đụng đến việc gì. Mọi thứ, từ ngoài đồng đến trong nhà dồn hết trên đôi vai của chị Tâm. Chị quần quật từ sáng tới đêm. Chị làm cả những việc lẽ ra chỉ dành cho đàn ông: bổ củi, chẻ lạt, đánh tranh, lợp nhà. Bác Sửu lại trái tính, trái nết, luôn miệng gắt gỏng. Hầu như không có việc gì chị Tâm làm mà bác Sửu hài lòng.
     Mẹ tôi bảo: -Con Tâm dại. Bỏ ngoắt về nhà mà lấy chồng có đỡ khổ hơn không. Đi làm đầy tớ không cơm cho người ta, đã không biết ơn thì chớ mà còn..
    Chị Tâm thì không nghĩ như mẹ tôi. Có lần tôi đem chuyện của mẹ tôi kể cho chị nghe. Chị Tâm chỉ nói: “Đừng trách bác mà tội. Bác đau yếu nên sinh bẳn tính. Còn anh Thìn đi là vì việc lớn, như chị thì có khổ chi. Chị đã hứa với anh Thìn, cũng là cái nghĩa em à.”
Tôi lại hỏi: Bao giờ thì anh Thìn về hả chị. ?
    -Chị cũng không biết nữa. Hồi ấy, anh Thìn nói là hai năm. Chừ đã… Chị bỏ dở câu nói nửa chừng, ôm chầm lấy tôi và tôi nghe thấy những giọt nước mắt chị nhỏ xuống âm ấm trên lưng áo.
    Anh Thìn đi không phải là hai năm mà là hơn mười lần cái hai năm. Hơn hai mươi năm, với một người đàn bà trẻ chờ chồng mà người đi vẫn bặt bóng chim tăm cá, nỗi khổ của chị Tâm biết lấy chi lường.
    Những năm ấy, chính quyền Diệm lại ra sức đàn áp, o ép những người, những gia đình “liên can Việt cộng”. Dăm bữa, nửa tháng lại có một đợt tập trung “tố cọng”. Người làng tôi sống trong không khí căng thẳng, ngột ngạt. Thưở ấy, tôi còn nhỏ, không hiểu lắm về những trò “sám hối”,”ly khai” và những gì chị Tâm và bà con trong làng phải chịu đựng trong những đợt “tố cọng”. Tôi chỉ thấy rằng, sau mỗi đợt tập trung về chị Tâm trông như người vừa ốm dậy: xanh xao, bơ phờ và mặt mày thâm tím, trông chị già đi rất nhanh. Tôi thương chị còn chị thì cười như không có việc gì. Nhiều lúc đi tập trung “tố cọng” về, chị nhờ tôi đắp  gừng giã với muối vào những vết bầm rướm máu trên lưng, tôi biết chắc là rát lắm. Thế mà chị cũng cứ giỡn được. Chị cười bảo: Em đừng đắp hết, chừa lại ít dấu để sau này chị còn khoe “thành tích” với anh Thìn.
    Cách mạng về, quê tôi thành vùng giải phóng. Đã có những cán bộ tập kết được trở về Nam đánh giặc. Thế nghĩa là anh Thìn sắp sửa trở về. Nhìn nụ cười rạng rỡ của chị, tôi thấy Chị Tâm như trẻ lại thưở đôi mươi. Nhiều đêm hai chị em nằm với nhau, chị huyên thuyên về anh Thìn. Chị tự vẽ ra gương mặt những đứa con chị với anh Thìn. Con trai thì giống anh Thìn: nước da bánh mật, cao lớn, tuy răng cỏ hơi thô một chút, nhưng cứ giống anh Thìn là được; con gái thì nhất định sẽ giống chị như khuôn đúc. Tôi chưa hề biết mắt mũi anh Thìn thế nào, nghe chị nói vẫn cảm thấy vui lây cái niềm hạnh phúc lớn lao của chị. Tôi cũng thầm mong anh Thìn sớm trở về với chị. Nhưng anh Thìn vẫn chưa trở về. Chắc là anh đang bận công tác ngoài Bắc hoặc đang đánh giặc ở một chiến trường xa nào đó mà chưa có dịp về quê. Chắc chắn anh Thìn sẽ trở về với chị. Chị Tâm lại phấp phỏng đợi chờ trong niềm hy vọng ngọt ngào.
    Bác Sửu tôi mất sau một cơn bạo bệnh . Chị Tâm còn lại một mình trong ngôi nhà rộng rãi và hoang vắng.  Cha tôi cho tôi sang ở hẳn với chị để chị đỡ buồn. Nhưng tôi cũng chẳng ở với chị được lâu. Chiến tranh mỗi ngày thêm ác liệt, bom đạn ngút trời. Cha  gởi tôi ra phố học, cũng là cách đi lánh bớt cảnh chết chóc, đạn bom. Tôi xa chị Tâm từ đó.

***

    Đất nước cũng đến ngày hoà bình, thống nhất. Chú Sanh, Anh Mộc hai người làng tôi cùng đi tập kết một lúc với anh Thìn đã lần lượt trở về. Nghe nói, chú Sanh đang làm cán bộ gì lớn lắm, ở tận Trung ương, còn anh Mộc thì chỉ huy một Trung đoàn vừa mới tham gia giải phóng Sài Gòn. Anh Mộc về làng với huân chương đầy trên ngực áo. Ngày nào cũng rộn rịp người đến thăm và nghe anh kể chuyện đánh giặc. Riêng anh Thìn vẫn bặt tăm. Chị Tâm lần bước đến thăm anh Mộc và hỏi tin tức về chồng nhưng mới đến đầu ngõ những bước chân bỗng trở nên ngập ngừng và chị lại hối hả quay về. Chị đã nghe phong thanh có người nói anh Thìn ra Bắc chỉ được vài năm thì bỏ đơn vị về lấy vợ, đang sống với vợ con ở một nông trường đâu trên miệt Sơn La. Chị Tâm nửa tin nửa ngờ. Biết đâu miệng lưỡi người đời. Chị vẫn sống trong sự đợi chờ và niềm hy vọng ngày một mong manh.
    Phải đến gần hai năm sau ngày giải phóng, anh Thìn mới trở về làng. Hoá ra là người ta nói đúng. Anh không về một mình, mà cùng một vợ, năm con. Đứa lớn của anh Thìn đã gần tròn mười bảy. Nhà trở nên huyên náo, chật chội. Chị Tâm thành người thừa trong chính ngôi nhà mà chị gắn bó bao năm. Chị sống âm thầm, lặng lẽ vào ra như một cái bóng lẻ loi, cô độc. Chị Tâm vốn là người hiền lành, ít nói nay càng giống như một người câm. Ai hỏi gì chị cũng chỉ trả lời bằng một ánh nhìn lặng lẽ.
    Thế rồi, không ai biết trong nhà ấy đã xảy ra chuyện gì. Một bữa người ta thấy chị Tâm tự tay làm một ngôi nhà nhỏ bằng tre lợp tranh rạ ở góc vườn. Ngôi nhà bác Sửu để lại, vợ chồng anh Thìn ở.
    Anh Thìn cũng chẳng ở quê lâu. Vợ chồng anh phải trở ra với cái cơ nghiệp ngoài kia. Nhà cửa trong này, anh giao cho đứa con lớn thỉnh thoảng đi, về. Hàng xóm bắt đầu xầm xì. Có người nói: Nhà to, vườn rộng, hắn về chỉ để thu lại những thứ ấy thôi, chẳng có ý định ở lại quê đâu. Mẹ tôi thì rủa thẳng:
   – Cái đồ bất nghĩa, vô ơn.
Một lần nữa, miệng lưỡi người đời lại đúng. Khi cái làng quê bé nhỏ của tôi trở nên sôi động hơn, người các nơi đổ về mua đất, xây nhà, cái vườn ấy trở nên có giá, anh Thìn lại về quê. Lần này là để bán đất, bán nhà. Nghe đâu được một khoản tiền khá lớn. Từ đó đến nay anh không hề trở lại quê  nữa. Chị Tâm vẫn ở lại cái góc vườn xưa.

***

    Từ ngày anh Thìn về, chị Tâm trở nên hoàn toàn câm lặng. Ban đầu người ta nghĩ rằng chị Tâm buồn hoặc tự kìm nén mình nên không muốn nói. Mãi sau này mọi người mới biết là chị Tâm đã hoá câm. Suốt ngần ấy năm cho đến giờ chưa ai được nghe chị nói một tiếng nào. Có người cố tình gặng hỏi, trêu chọc để chị bực tức lên mà chưởi lấy một câu nhưng đều được đáp lại bằng một nụ cười buồn héo hắt. Mẹ tôi cũng đã có lần gọi chị sang gặng hỏi đủ điều, rồi mẹ mắng, mẹ chưởi, mẹ khóc ầm lên. Chị Tâm vẫn im như một pho tượng đá. Chị ngồi đó lặng lẽ nhìn mẹ bằng đôi mắt ráo hoảnh. Mẹ tôi khóc, chị chỉ cúi gằm xuống rồi lẳng lặng cắp nón ra về. Đôi mắt vẫn khô như không hề có một cam xúc gì.
    Mẹ than: Ôi, khổ cho con Tâm. Nó hoá điên hoá dại mất rồi!.
    Tôi nghĩ, chị Tâm chẳng hoá điên hoá dại. Thỉnh thoảng về thăm chị tôi vẫn cảm nhận đầy đủ những tình cảm ngọt ngào của chị như xưa kia. Chỉ có một điều, với tôi, chị cũng chẳng hề hé răng nói lấy nửa lời. Hai chị em chỉ lặng lẽ nhìn nhau. Môi chị như  thoáng nét cười mà ánh nhìn thì buồn rười rượi. Lần nào về thăm chị, trở lại nhà tôi cũng bị mất ngủ mấy đêm vì ánh mắt ấy.

***

    Tôi về đến làng thì đám tang của chị cũng vừa xong. Khắp làng, người ta bàn tán xôn xao. Có người kể: Chị Tâm chết lạ lắm. Chị có đau ốm gì đâu. Nhưng trông người chị như khô dần, khô dần. Buổi chiều cách đây ba hôm, có người thấy chị đứng tựa vào cây cột gỗ trước hiên nhà, đôi mắt như  đang mơ màng về một cõi xa xăm nào đó. Người ấy gọi đến mấy tiếng, chị vẫn không quay lại. Trời sẫm tối, chị vẫn còn đứng nguyên trong tư thế ấy. Sáng ra, người ta mới hay chị đã chết tự bao giờ.  Người ta còn kể nhiều điều lạ nữa: Mới qua một đêm mà người chị như khô cứng lại. Ông Xung đã từng khâm liệm cho bao nhiêu thi thể trong làng vẫn không thể nào chỉnh sửa được cánh tay như muốn vươn với lên đến tận trời xanh của chị.  Cũng không ai có thể vuốt được đôi mắt cứ như đang muốn nhìn xoáy sâu vào tận cõi lòng người. Ngưòi ta đành khâm liệm chị trong một cỗ quan tài được đóng nối cho vừa tầm tay với của chị. Cái vóc người gầy guộc, nhỏ nhắn của chị bỗng dưng nặng đến khó hiểu, phải có đến bốn người khoẻ mạnh, sức vóc mới đưa được chị vào cỗ áo quan…
    Cả làng tôi rộn lên bao lời bàn tán về cái chết của chị Tâm với những suy luận hoang đường. Tôi thật lòng chẳng muốn tin vào những lời đồn đại ấy, bởi tôi chẳng hề mong lại có thêm một nàng Vọng phu bổ sung  vào truyền thuyết.
   Cầm bó hoa và nắm nhang trên tay, tôi ra viếng mộ chị Tâm. Trong ánh chiều sắp tắt, bãng lãng sau lớp khói đồng, tôi thoáng thấy từ phía mộ chị Tâm đang chấp chới một đôi cánh thiên nga nhè nhẹ bay về phía chân trời.

Tháng 8/2004