NGƯỜI CẦM CHỊCH

Lượt xem:


Nhà giáo ưu tú – Nguyễn Thị Kim Chi

–  Ôi ! đã gần 13 giờ rồi sao!

 Nhanh lên thôi, kẻo không kịp giờ học vi tính! Tôi thốt lên hoảng hốt. Hôm nay là thứ 5, họp hội đồng sư phạm. Trước giờ hội họp hay sinh hoạt chuyên môn, trường chúng tôi cũng được thầy hiệu trưởng cập nhật 30 phút về công nghệ thông tin, một môn học rất hấp dẫn. Đúng như kế hoạch, hôm nay những giáo viên (GV) đứng lớp như tôi phải nắm vững phương pháp soạn một tiết dạy bằng đèn chiếu projector! Hấp dẫn thật ! Dù đã ở cái tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, và mười mấy tháng nữa là về nhàn, mà sao tôi háo hức đến thế. Mở cuốn tài liệu mà thầy đã soạn ( dù thầy không qua trường lớp nào về đào tạo vi tính) về cách sử dụng vi tính Microsoft một cách dễ hiểu nhất trên đời, tôi say sưa chăm chắm nhìn lên bục giảng. Giọng nói truyền cảm, cái nhìn thu hút đầy bản lĩnh, cách giảng giải kèm với thực hành, khiến 30 phút trôi qua một cách nhanh chóng và đầy sức thuyết phục.

Thế là sau đó, chúng tôi tranh thủ thực hành mọi lúc mọi nơi, người biết dạy cho người chưa biết, người biết ít học hỏi người biết nhiều, bởi thầy đã mạnh dạn bố trí bốn máy vi tính ở văn phòng dành cho GV bộ môn học tập. Chúng tôi được tiếp cận sâu hơn với công nghệ thông tin một cách say sưa, háo hức tưởng như được sáng mắt, sáng lòng và thấy mình như lớn thêm một chút. Mùa hội giảng giáo án điện tử năm 2008, trường THCS Phù Đổng, một đơn vị miền núi, mà đã đạt giải nhì trong toàn huyện. Có được thành tích đó, phần lớn công lao là của người cầm chịch, thầy hiệu trưởng Nguyễn Khánh Hòe tuyệt vời của chúng tôi!

 

            Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo nhưng có truyền thống hiếu học, sau khi tốt nghiệp CĐSP năm 1982, thầy về lại mái trường xưa (Trường THCS Phù Đổng), dạy môn lịch sử ở trường, hai năm sau, thầy làm tổng phụ trách Đội, rồi giữ chức vụ hiệu phó. Từ năm 1994 cho đến nay, thầy làm hiệu trưởng của trường THCS Phù Đổng (từ năm 2004-2008 thầy được điều động về làm Hiệu trưởng, trường THCS Kim Đồng).

            Kiên trì, cần mẫn và làm việc theo mục tiêu kế hoạch đã đề ra, thầy quyết tâm thực hiện cho bằng được chỉ tiêu thi đua trong năm học: bồi dưỡng nhân tài, đào tạo thế hệ kế cận cho sự nghiệp GD địa phương bằng những bước đi ngoạn mục! Vì thế ở mái trường này, trong thời gian làm hiệu trưởng từ 1994 đến nay, thầy đã có công lớn đào tạo được 2/3 Nhà giáo ưu tú của huyện Đại Lộc. Trường còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen ( 2003) và luôn luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc. Điều đặc biệt nhất là GV, CNV nào từ mái trường này ra đi, cũng chinh phục người khác bằng sự vững vàng trong phong cách làm việc và khả năng chuyên môn. Và hầu hết, sau một thời gian công tác họ đều được đề bạt làm cán bộ quản lý ở nơi mới. Hóa ra thầy đã âm thầm, miệt mài đào tạo nguồn nhân lực về GD cho địa phương mà có lẽ chính thầy cũng không ngờ tới được. Tôi nhớ có lần khi phát biểu trước hội nghị CNVC, thầy giáo Phan Thường Sĩ, phó phòng GD&ĐT, đã trân trọng dùng đến từ thương hiệu khi nói về thành tích nổi trội của trường THCS Phù Đổng và hết lời ca ngợi tài năng, đức độ của thầy Hòe.

Thầy còn rất đáng quý với nụ cười hiền hậu, ánh mắt gần gũi, thân thương, trong sáng và sự chăm lo chu đáo đến đời sống vật chất và tinh thần của anh em trong tập thể sư phạm nhà trường. Có nằm mơ, tôi cũng không ngờ cái hạnh phúc mà có lẽ thầy đã dành làm phần thưởng cho tôi khi thầy tổ chức buổi lễ về hưu long trọng và tràn đầy tình cảm diễn ra vào ngày 28/2/2009! Khi tôi hỏi tiền đâu, công sức đâu mà em làm ngoạn mục đến như vậy?, thầy chỉ cười khiêm tốn. Thầy cô trong trường ai ai cũng bảo chắc chắn sau nầy không ai có được buổi sinh hoạt chia tay trọng thể như của cô Chi. 

Và không thể không nhắc tới tài năng tổ chức buổi lễ tang đầy trang trọng và cảm động khiến ai ai cũng nghiêng mình nể phục của thầy đối với thầy giáo Nguyễn Viết Bình mới cách đây hơn 4 tháng! Có phụ huynh xúc động nói với chúng tôi rằng: Chứng kiến cảnh thầy cô trân trọng tổ chức lễ, lo lắng chu toàn tang lễ cho thầy Bình, chúng tôi cứ tấm tắc: Cho con ăn học là phải lắm, xứng đáng lắm, vinh dự quá, thầy Bình thật hạnh phúc khi có được đội ngũ đồng nghiệp đáng quý như thế!. Có GV nói tếu: Ôi! nhìn tang lễ thầy Bình mà mình ham chết quá!. Còn tôi thì nói: Cho cô viết bài văn tế sống em nhé! Cô sẽ bắt chước Tú Xương viết Văn tế sống vợ để viết văn tế sống về em, người con yêu quý của nhân dân xã Đại Hồng. Thầy Bình sẽ mỉm cười nơi chín suối khi được nghe em đọc điếu văn cảm động và tuyệt đến như thế!.

 

Thầy đổi đến trường THCS Kim Đồng 4 năm ( 2004-2008 ) và trở về Phù Đổng trong sự nhớ tiếc của tập thể trường mới. Cô thầy ở Kim Đồng ai ai cũng dành những lời trân trọng, cảm kích trước sự tận tụy, tấm gương tự học, tự sáng tạo của thầy. Họ kể rằng thầy đã tự soạn một tập tài liệu cho thầy cô trong trường học vi tính và từng đêm lặn lội đến trường để hướng dẫn thầy cô học công nghệ này miễn phí. Cô giáo Nguyễn Thị Liên trường THCS Kim Đồng đã xúc động viết:

 

Trường xưa còn đó thầy ơi!

 

Nhưng hình bóng ấy sáng ngời trong em.

Thầy như đò nhỏ êm đềm,

Dọc ngang bao chuyến ngày đêm miệt mài,

 

Bao năm tận tụy vì ai?

 

Bám trường, bám lớp hai vai nhọc nhằn!

 

…Thầy tôi vẫn mãi nụ cười

 

Bước chân không mỏi làm vui cuộc đời!

 

Được đến nhà mừng con thầy thi đỗ đại học, cô Trần Thanh Tam ngạc nhiên đến lặng người khi thấy nhà của thầy vô cùng đơn sơ, bình dị. Cô thốt lên: Làm hiệu trưởng gần 20 năm mà nhà cửa như thế hả chị!?.Có lần, một phụ huynh đã nói với tôi: Thầy Hòe thật đáng kính! Mùa hè vừa qua, tôi về  rút hồ sơ giấy tờ cho con tôi, thầy tận tình lên trường lục tìm vì nhân viên nghỉ phép. Xúc động trước việc làm nghĩa tình ấy, tôi trân trọng tặng một phong bì, nhưng thầy không nhận. Thầy phân tích: Chẳng lẽ vì cái này mà tôi đánh mất giá trị của mình sao? Học trò tôi sẽ nghĩ gì khi tôi như thế!. Khi trường tôi phải xây dựng công trình hay mua sắm vật dụng gì, thầy đều đem ra thảo luận công khai và cho mọi người đi đọ giá. Cuối cùng, thầy và tập thể cán bộ, đảng viên chọn giá phù hợp nhất, có lợi nhất cho ngân sách nhà trường. Mọi chi tiêu tài chính đều công khai minh bạch hằng tháng, hằng năm. Và thầy luôn luôn có mặt ở trường như thể không được làm việc cho tập thể thì thầy không chịu nổi vậy, biệt danh Nguyễn Khánh Công Chức được gán cho thầy cũng chính vì lẽ đó. Tôi thường đùa rằng: Chắc vợ chồng em ở nhà chỉ nói toàn chuyện về trường nhỉ? Cô hình dung là khi ăn em cũng nghĩ về trường, ngủ cũng đau đáu về trường và có lẽ khi làm việc nhà em cũng chỉ canh cánh chuyện trường, chuyện lớp phải không? GV nào mang bệnh lười thì không thích thầy đâu, thậm chí còn ghét nữa. Nhưng tất cả hội đồng sư phạm đều thấy tài năng, sự cần mẫn, tận tụy hết lòng xuất phát từ cái tâm vô cùng trong sáng của thầy.

 

Người cầm chịch của chúng tôi khác thường, hơn người còn ở chỗ: trong thi đua, thầy luôn dũng cảm đấu tranh với cái sai, cái xấu. Thầy cương quyết chỉ rõ cái sai của đồng đội, cái yếu của bản thân, cái tồn tại của tập thể và chấp nhận xếp loại yếu kém cho bản thân, đồng chí và tập thể cả trường khi thầy thấy rằng không đạt với tiêu chí đã đề ra. Thầy biết làm thế thì đồng chí của mình sẽ ghét mình, nhưng thầy chấp nhận thiệt thòi đó để sửa sai cho cấp dưới, thấy thường nói 60% ủng hộ mình là được rồi cô à!, người cầm chịch mà thiên về cảm tính, sợ mắc lòng đồng đội thì không thể vực dậy cả một sự nghiệp được. Một cô giáo từng bị xếp loại trung bình 3 năm liền đã làm bài thơ nhỏ trong tập san Hương Mới của trường, như là một lời tri ân chân thành khi thầy không còn công tác ở trường: 

Khi Người ở tôi ghét Người nhiều lắm,

Bởi với Người tôi là kẻ nhầm sai!

Người đi rôi, tôi thấy mình thật dại,

Ở đâu rồi… lời chỉ bảo đơn sai!

    Nhân dân Đại Hồng thật là có phúc khi có được một người con ưu tú tận tâm, tận lực, đem hết tài năng và tâm huyết vì con em, vì sự nghiệp GD địa phương như thầy Hòe, người cầm chịch đáng kính, đáng yêu của chúng tôi.

Nhật Yến