TẤM LÒNG MỘT NGƯỜI THẦY, MỘT NGƯỜI CHA

Lượt xem:


Trong cái gió se lạnh của những ngày đầu xuân mới, các thầy trường tôi trong lúc giải lao nói rất nhiều chuyện về tết Tân Mão, về mùa xuân, về ông bà tổ tiên, về nhân tình thế thái , về ngành về nghề …và cả cái chuyện  TÀI, ĐỨC trong cuộc sống hàng ngày, bất giác tôi nghĩ đến thầy Võ Đình Quí , người mà tôi luôn kính trọng bấy lâu nay khiến tôi không thể không kể cho các thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp nghe một câu chuyện thật cảm động mà chính tôi, các thầy cô giáo trong trường và cả những người dân ở xã Đại Tân cũng bất ngờ, ngạc nhiên, và ai ai cũng tự nhủ mình có làm được như thầy Quí hay không !!!

Câu chuyện như thế này :

Thầy Võ Đình Quí sinh năm 1963 quê ở thôn Nam Phước xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Thầy đã có quyết định chính thức vào biên chế ngành giáo dục năm 2003-2004 , tuy tuổi đã cao so với các đồng nghiệp nhưng thầy vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ giảng dạy môn anh văn tại trường nội trú huyện Nam Trà My. Cũng như những đồng nghiệp khác thầy luôn hăng hái nhiệt tình trong công tác giảng dạy , trau dồi học hỏi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.Bên cạnh đó thầy luôn sống hoà đồng ,vui vẻ, thân ái với tất cả mọi người và luôn được mọi người hết lòng tin yêu, quý trọng…

Thầy giáo Võ Đình Quí

Bằng tấm lòng một người thầy, một người cha thầy Quí luôn thương yêu hết mực học trò của mình, thầy luôn tìm hiểu cặn kẻ hoàn cảnh sống của từng em. Qua cuộc trò chuyện vơí thầy tôi đươc biết đa số các em học sinh trong lớp đều là người dân tộc thiểu số và trong một lần tình cờ thầy phát hiện ở lớp 8 mình đang dạy có một cậu học trò lớp trưởng tên là Bằng hay nghỉ học dài ngày mỗi khi về bản, tính tình ít nói, khuôn mặt già hẳn đi so với cái tuổi 21 của cậu …sau khi tìm hiểu thầy Quí mới biết rằng Bằng không có cha mẹ lại không người thân thích. Từ nhỏ đến giờ em sống rất cực khổ. Mỗi khi về bản, cậu sống chui rúc ngoài rừng rất tội nghiệp, cảm thương cậu học trò dân tộc, và bằng sự cảm mến, yêu thương …Thầy Quí  đã quyết định nhận Bằng làm con nuôi, đỡ đầu cho Bằng và dần dần tình cảm thầy trò trở thành tình cảm cha con sâu đậm.

 Thấm thoát  đã 3 năm trôi qua , thầy Quý nhận quyết định mới về công tác tại trường THCS Hoàng Văn Thụ cho đến bây giờ, sau khi tham khảo ý kiến vợ và các con ( hiện Thầy Quý đã có 3 con, con trai đầu học Đại học bách khoa Đà Nẵng , hai cháu còn lại đang học phổ thông ), thầy hỏi Bằng:

– Em có muốn về xuôi với thầy không ?

            Thấy thầy chỉ nói một câu nói ngắn gọn nhưng chứa đựng biết bao tình thương yêu.        

 Bằng nghẹn ngào trả lời:

– Có ạ!

Thế là hành trang chuyển trường về quê của thầy Quí không chỉ là kiến thức tích luỹ bấy lâu nay tại trường nội trú Nam Trà My mà còn có cả cậu con trai người dân tộc tên Bằng …

Về công tác tại  trường THCS Hoàng Văn Thụ thầy Võ Đình Quí  là một thầy giáo mẫu mực, luôn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Thầy luôn nhiệt tình trong công tác giảng dạy cũng như trong các hoạt động khác của nhà trường, tính tình cởi mở, hoà nhã ,thân ái với tất cả mọi người, kể cả bà con lối xóm , và điều đặc biệt là thầy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được học sinh , đồng nghiệp vô cùng yêu mến . Trong đợt tổng kết 4 năm cuộc vận động học tập và là theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa qua thầy vinh dự được  Đảng bộ Huyện Đại Lộc trao tặng bằng khen .

Trở lại chuyện của Bằng, về sống trong nhà thầy Quí ,lúc đầu Bằng làm bà con, làng xóm vô cùng kinh ngạc lẫn tò mò nhìn tới nhìn lui, bàn tán.. bởi cậu là một người dân tộc , không ít người nói thầy Quí đem cái cực khổ , gánh nặng, chuyện khó xử  về nhà… nhưng được sự ủng hộ của vợ và các con thầy vẫn xem như không có chuyện gì xảy ra ….. thầy Quí cùng gia đình bắt đầu dạy dỗ, hướng dẫn  cho Bằng trở thành một người Kinh thật sự , từ chuyện ăn uống, lễ nghĩa , cách ứng xử với tộc họ, với bà con làng xóm … và tìm cho Bằng một công việc ổn định tại nhà máy gạch tuy nen Đại Tân … 

 

Thầy Võ Đình Quí và Bằng cùng ba mẹ cô dâu trong ngày cưới

 

Tôi tò mò hỏi  : – Thế Bằng có họ không ? Có chứ người dân tộc ai cũng mang họ Bác Hồ nên nó có họ tên khai sinh là Hồ Văn Bằng hẳn hoi đó em !

             Rồi cái gì đến rồi sẽ  đến , Bằng đã đến tuổi lấy vợ , lập gia đình , vì hiện tại Bằng đã 28 tuổi ,với bản chất thật thà Bằng  cũng được nhiều cô gái để ý . Nhưng với tư cách là người cha thầy Quí đã đắn đo suy tính tìm vợ thế nào cho hợp lí , bởi Bằng là một người dân tộc quá thật thà chất phát!  Sau khi tìm hiểu kĩ càng thầy đồng ý cho Bằng lấy vợ, một cô gái hiền lành nết na, xinh đẹp, gia đình gia giáo, sống cách nhà thầy khoảng 2 cây số.

Trước hôm đám hỏi thầy có đem chuyện này nói với anh em trong hội đồng , anh em cười rộ, vui vẻ bảo:  Anh  chuẩn bị lên chức ông sui, ông nội  rồi nhé, trách nhiệm lớn đấy! nhưng thực chất anh em hiểu thầy rất lo chuyện này bởi thầy là cha của Bằng kia mà, thế là  thầy cùng gia đình, vận động thêm bà con trong tộc họ lo chu đáo lễ cưới cho Bằng với đầy đủ lễ nghi hiện thời .

Tôi còn nhớ Thầy Quí nói với tôi : Mùng 8 tháng 12 âm lịch năm 2010 em lo giúp dàn  nhạc để  anh tổ chức đám cưới cho Bằng nhé , hoành tráng đấy, tôi cuời gật đầu. Nhưng trước hôm đám cưới 10 ngày trong giờ giải lao thầy buồn bã nói với  tôi: “Số Bằng sao mà khổ quá, gần đến ngày cưới rồi mà vợ bị bệnh đi chữa ở Sài Gòn rồi em ơi” . Bất giác tôi nhìn thầy, vì sự lo lắng nên trên đầu thầy đã xuất hiện nhiều sợi tóc bạc hơn , bởi tôi biết thầy rất thương Bằng. Thế là thầy tiếp tục động viên, an ủi  Bằng cùng gia đình lo chạy chữa cho vợ – Đám cưới dừng lại, nhưng chưa biết ngày nào tổ chức lại ???

                                                      ****

Thời gian trôi đi trong  sự bận rộn hối hả của những ngày giáp tết Tân Mão, tôi không để ý đến việc đám cưới của Bằng như thế nào, thì đúng dịp trường tổ chức tất niên vào ngày 25 tháng chạp , thầy dẫn Bằng xuống trường hớn hở gặp tôi và mọi người , trên tay cầm cuốn an bum  thầy nói : –  Anh đã tổ chức đám cưới cho Bằng rồi vào ngày 20/12  âm lịch  đó em …… đây là ảnh đám cưới của chúng nó…..  

Trong cuộc trò chuyện râm ran, mọi người thay nhau chúc  mừng,  anh em hỏi Bằng sau đám cưới có nghĩ  gì về Ba Quí không , Bằng nghẹn ngào trả lời chân thật : Chỉ có tấm lòng một người thầy tốt , một người cha tốt như Ba Quí mới có cuộc sống của em hôm nay…hiếm lắm !!!

Chắc chắn rằng sau đám cưới  trách nhiệm của người làm cha như thầy Quí sẽ còn nặng nề hơn nữa , nhưng chúng ta  tin rằng thầy sẽ  vượt qua tất cả  để xứng đáng là người thầy tốt , người cha tốt.

  Các thầy cô giáo,  các bạn đồng nghiệp ạ! Trong dòng chảy của cuộc sống hiện tại ,luôn có sự phức tạp , tốt xấu đang xen lẫn lộn trong mọi mặt của xã hội  , thì việc làm  của Thầy Võ Đình Quí như là viên ngọc sáng trong dòng chảy đó , việc làm đó đáng để chúng ta nhìn nhận một cách tích cực, đó là một việc làm hết sức có ý nghĩa, nó tô đậm thêm nhân cách , giá trị con người , đức hy sinh, sống vì mọi người  … mà ít ai trong chúng ta có thể làm được như thầy !

Để thấy được thêm giá trị câu chuyện tôi vừa  kể ,  tôi xin nêu lời một người hàng xóm của thầy Quí nói như thế này sau đám cưới của Bằng : “ Việc Bằng là người dân tộc về ở với Thầy Quí làm chúng tôi bất ngờ, thì  đám cưới của Bằng làm bà con chúng tôi  bất ngờ hơn, chỉ có những người làm giáo dục, sống bằng  cái Tâm, cái Đức  của người thầy, người cha như  thầy Quí  mới có cuộc sống của Bằng hôm nay, xã hội mới bớt đi sự bất hạnh và có thêm nhiều  nụ cười hạnh phúc…  ” .  

Với Thầy Võ Đình Quí  dù công tác nơi nào thầy mãi mãi vẫn là người thầy tận tuỵ trong công việc trồng người ,  sống một đời thanh cao, luôn đem niềm vui đến cho mọi người, cho gia đình, cho các em thơ, để không thẹn với hai chữ NGƯỜI THẦY như trong ca dao, tục ngữ Việt  Nam từng ca tụng trường tồn vĩnh viễn với thời gian .

 Huỳnh Văn Cường- Giáo viên- TPT Hoàng Văn Thụ- Đại Tân- Đại Lộc- Quảng Nam