Người vác tù và …

Lượt xem:


BÀI DỰ THI : GƯƠNG “NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT”  NÉT ĐẸT THƯỜNG NGÀY

NGƯỜI VÁC TÙ VÀ …

            Lần đầu tiên tôi gặp anh cũng là lần đầu tiên tôi bước vào ngôi trường này. Ngay lần ấy tôi đã có thiện cảm đối với anh: từ cái bắt tay, đến những lời hỏi thăm rất đỗi ân cần và đầy tinh thần trách nhiệm của một vị phụ huynh đối với những sinh viên mới vừa ra trường như tôi. Tên anh là Đặng Ngọc Đống, sinh năm 1950, nhà ở tại thôn Phú Đông, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam(Đối diện với trường Mầm non Đại Hiệp). Anh nhận chức “vác tù và hàng tổng” này từ năm 1985. Từ đó đến nay anh liên tục gắn bó với nhiệm vụ. Mỗi năm học trôi qua là biết bao thành tích  anh đã để lại cho giáo dục xã nhà. Từ lãnh đạo cho đến người dân bình thường mỗi khi nhắc đến giáo dục Đại Hiệp là  nhắc tên anh và nhắc ở những nơi trân trọng nhất.

         Anh kể rằng những năm 1985, 1986 trường lớp còn tạm bợ, khó khăn trăm bề. Anh cùng anh em trong ban đại diện của phụ huynh đến từng nhà, từng doanh nghiệp xin kinh phí để mua cây xanh trồng sân trường, xây tường rào cổng ngõ trị giá hàng triệu đồng. Không những thế mà còn hỗ trợ cho các phong trào của trường như: văn nghệ, thể dục thể thao……Khi cấp trên có chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường tiểu học Đại Hiệp (nay là trường tiểu học Nguyễn Ngọc Bình) là trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh Quảng Nam /> />. Có được thành quả ấy là xuất phát từ sự lãnh chỉ đạo của các cấp Đảng, chính quyền., song thật sự thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến công sức của  anh vận động tất cả phụ huynh, vận động các doanh nghiệp cùng chung tay góp sức để xây dựng ngôi trường này.

Ông Đặng Ngọc Đống phát biểu tại Đại hội Cha Mẹ học sinh- Năm học 2009-2010

            Năm 1997, trường THCS Trần Phú được thành lập, đây là điều mong mỏi bấy lâu nay của chính quyền cũng như người dân Đại Hiệp. Với ngôi trường gần nhà và uy tín của anh,  anh được tín nhiệm bầu vào ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường. Ở đây, anh đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với nhà trường vận động học sinh có nguy cơ bỏ học và bỏ học giữa chừng ra lớp. Có thể kể ra một vài trường hợp để minh chứng cho việc làm đó của anh  là: Năm học 1999 – 2000, ở lớp 7.2 của nhà trường có em Thái Tuấn Sang con của ông Thái Tuấn Bằng (thôn Phú Đông xã Đại Hiệp). Mẹ em Sang qua đời vì bệnh hiểm nghèo, bố em Sang ở vậy nuôi 5 con nhỏ, Sang lại là con lớn trong gia đình, em út của Sang chưa tròn một tuổi, cảnh nhà gieo neo. Bố của Sang phải cật lực làm thuê làm mướn, thế mà lo cái ăn cho anh em của Sang vẫn chưa xong nói chi chuyện học hành. Năm học 2003-2004, ở lớp 7.3 của nhà trường có  em Đặng Ngọc Trà con của ông Đặng Ngọc Dũng ( thôn Tích Phú xã Đại Hiệp). Em Trà mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm học lớp 3, ở với chị gái và anh rể. Gia đình của anh chị lại khá chật vật vì con nhỏ hay đau ốm. Năm 2006-2007, ở lớp 8.1 của nhà trường có em Võ Thị Quý  Nương( thôn Đông Phú xã Đại Hiệp). Một học sinh, chỉ trong thời gian ngắn đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nỗi đau chồng chất nỗi đau đối với cô bé 14 tuổi này. Là chị cả trong gia đình, em Nương vừa đi học, vừa phải lo toan chuyện gia đình…thật quá sức đối với em.

            Trong năm học này trường được cấp trên đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1, anh lại lăn lộn cùng đội ngũ giáo viên nhà trường vận động phụ huynh học sinh toàn trường góp công góp của để thực hiện chủ trương ấy. Chính nhờ vậy mà chỉ trong thời gian ngắn trường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam /> />kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2005-2010.

            Năm học 2009-2010, ở lớp 6.1 của nhà trường có em Đặng Ngọc Nghĩa ( ở thôn Phú Đông, Đại Hiệp). Em Nghĩa sinh ra chưa tròn tháng thì người bố đã biệt tăm chỉ vì biết em bị bệnh tim bẩm sinh. Thế là bà ngoại của Nghĩa phải đùm bọc 2 mẹ con em, mặc dù bà đã già yếu và cũng thường xuyên đau ốm. Nghĩa tròn 3 tuổi thì người mẹ phải đi làm ăn xa.  Hai bà cháu chỉ bán bánh tráng nướng, với những điếu thuốc lẻ….để sống qua ngày, lấy đâu ra tiền mà chạy chữa, nên em phải chung sống với căn bệnh quái ác đó.

             Hễ biết được hoàn cảnh của học sinh, là anh tham mưu ngay với giáo viên chủ nhiệm, bộ phận Đoàn Đội và các ban ngành đoàn thể  khác trong và ngoài nhà trường để giúp các em cả về vật chất lẫn tinh thần. Trên đây chỉ là một vài trường hợp tiêu biểu mà anh Đống đã có sự giúp đỡ, động viên kịp thời. Nhờ sự hỗ trợ ấy mà các em vẫn được đến trường đến lớp vui vẻ như bao bạn  bè cùng trang lứa.

 

            Đặc biệt anh nắm khá rõ về địa chỉ, cũng như lai lịch của những đối tượng học sinh có những biểu hiện chưa ngoan(tên học sinh, địa chỉ, tên cha mẹ, nghề nghiệp…) để đẩy mạnh mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Thật đáng nể phục khi nghe anh kể vanh vách hoàn cảnh gia đình  từng em học sinh cá biệt của nhà trường và những việc làm cụ thể của anh đối với những học sinh này: nào là động viên, giải thích cho phụ huynh, học sinh, nào là bỏ tiền túi ra để thưởng cho học sinh khi nghe thầy cô trên trường phản ánh em học sinh đó có sự tiến bộ, có cố gắng nỗ lực trong học tập và rèn luyện. Hội đồng sư phạm của  nhà trường ai mà chả biết đến thành tích này của anh và đã ghi nhận công sức ấy bằng một câu nói: anh là một công an viên. Bởi từ sự đóng góp đó đã giúp cho nhà trường cảm hóa được nhiều em học sinh cá biệt và góp phần không nhỏ vào việc ổn định an ninh, trật tự ở địa phương.

         Với vóc người rắn rỏi, trang phục bình dị, và như hoạt bát hơn so với tuổi sáu mươi của anh, ai gặp mà chẳng cảm nhận được sự gần gũi, thân thương, điềm đạm và tính chia sẻ ở con người này. Mặc dù khá tất bật với công việc của gia đình song anh thường xuyên đến trường mỗi khi trường đón đoàn công tác về thăm, hay kiểm tra, hoặc khi trường tổ chức các hoạt động anh đều có mặt. Sự xuất hiện của anh vừa là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với cán bộ giáo viên của nhà trường, vừa thể hiện sự đồng thuận cao của phụ huynh học sinh đối với những hoạt động của nhà trường. Thật khó có thể giải thích được tại sao một người nông dân bình thường như anh lại gắn bó với trường lớp như vậy.

         Trường có việc đột xuất, tôi vào nhà anh để liên hệ, được chứng kiến công việc nhà anh đang làm, tôi như bị thôi miên khi tận mắt chứng kiến từng  thao tác anh làm. Vào  đến nhà, anh vừa lau bàn ghế, vừa tâm sự: Bụi nhiều lắm bởi nhà máy gạo và chẳng khi nào 2 vợ chồng có thời gian ngồi vào ghế cả, tôi thì vừa lo chạy máy gạo, máy cám, vừa lo cho hơn 20 con heo, mấy chục con gà, vịt; vợ tôi thì lại tất bật với bán tạp hóa, bán phân bón, thuốc trừ sâu…..Đã hơn 11h30, tôi hỏi chuyện cơm nước, ăn uống thì cả vợ chồng anh đều bảo: Dễ rồi có 2 người ăn uống thế nào mà chả được, mấy hôm có đứa cháu đến còn lo chứ có 2 vợ chồng thì gói mì tôm cũng qua bữa.

          Mặc dù con cái của anh đã học xong bậc THCS, thế mà anh vẫn liên tục được cử vào ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường. Nhất là khi bão ùn ùn kéo đến, lũ đổ về, anh lại huy động  anh em trong ban thường trực cùng các lực lượng  của xã, bà con lối xóm lo cho trường từng bao cát chần tôn, từng cái chốt cửa. Bão qua mưa chưa ngớt, anh đã có mặt tại trường, để cùng thầy cô giáo dọn dẹp, sớm đưa học sinh trở lại học bình thường. Nước rút đến đâu trường lớp được dọn dẹp gọn gàng đến đó. Anh đã góp phần không nhỏ vào việc trả lại không khí nhộn nhịp, tiếng cười đùa cho sân trường.

            Mỗi năm học  như vậy, anh cùng ban đại diện vận động phụ huynh đóng góp cả 100 triệu đồng để mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ dạy học. Trong đại hội đại biểu ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường năm học 2010-2011, anh Đống cùng ban đại diện rất băn khoăn, do dự khi đưa ra khoản thu của phụ huynh. Bởi Đại Hiệp vẫn còn  nhiều gia đình khá chật vật khi lo cho con đến trường. Song có vị đại diện phụ huynh lớp đã phát biểu rằng: Anh Đống và các anh trong thường trực của ban đại diện đừng quá lo lắng, băn khoăn, hễ các anh xuống sân là dân làng cùng hát….., Như vậy có thể thấy ngay rằng, đó chính là sự đồng thuận cao của phụ huynh toàn trường đối với những công việc đã làm và sẽ làm của ban đại diện.        

            Niềm vui như được nhân lên khi năm học kết thúc và mỗi lúc danh sách học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường ngày một dài  thêm. Thế mà ai có biết, anh cùng các vị đại diện khác đã phải lặn lội để quyên góp kinh phí làm phần thưởng cho các em. Mỗi khi trường tham gia phong trào cấp huyện anh thường xuyên khăn gói đi cùng, nhiều lúc bỏ cả tiền túi ra để thưởng nóng cho những học sinh đoạt giải. Vật chất tuy không nhiều nhưng đã góp phần đáng kể trong việc động viên phong trào dạy và học ở nhà trường. Anh đã từng tâm sự:  đi xin để phục vụ cho học sinh đó là niềm vinh dự lớn lao đối với  tôi. Một quan điểm rất đỗi mộc mạc, thân thương và vô cùng trìu mến. Quan điểm này cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ.

                  Anh Đống tặng quà cho em Đoàn Ngọc Nghĩa

        

Anh Đống tặng quà cho em Võ Thị Quý Nương nhân dịp tổng kết năm học

Đối với những học sinh có hoàn cảnh bi thương, anh thường đến với các em bằng tấm lòng nhiệt thành và sự giúp đỡ kịp thời về vật chất. Các em như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua bao khốn khó vươn lên trong học tập. Số học sinh được anh Đống giúp hãy còn  chưa nhiều so với thực tế của cuộc sống thường ngày. Song thiết nghĩ xã hội có nhiều người như anh Đống thì sẽ hạn chế được việc học sinh phải bỏ học giữa chừng, sẽ giúp nhiều em học sinh toại nguyện được ước mơ của mình.

 

Thật hiếm thấy vị đại diện phụ huynh nào như anh- Một nông dân bình thường, lại tâm huyết với chức vụ bấy lâu người ta gọi là vác tù và hàng tổng đến như vậy. Qua đây tôi chỉ mong rằng hình ảnh người trưởng ban đại diện phụ huynh này sẽ được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.

 Phạm Tấn Hà – GV Trường THCS Trần Phú