Tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục
Lượt xem:
Số tư liệu: 52/2007/CT-BGDĐT Thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Chỉ thị số 22-CT-CT/TW ngày 24 tháng 02 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, từ năm 2003 đến năm 2005, các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực triển khai và đã thực hiện được mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông có những diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng so với những năm trước (chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007 tai nạn giao thông đã làm gần 7 nghìn người chết và gần 6 nghìn người bị thương). Trong thời gian qua các cơ sở giáo dục đã tích cực triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên và đã dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, công tác giáo dục trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả, các cấp quản lý giáo dục, đặc biệt là lãnh đạo của một số trường học còn chưa thực sự quan tâm, thiếu sự đầu tư thời gian, cán bộ và kinh phí, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp. Việc học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là vi phạm quy định về độ tuổi lái xe mô tô, xe gắn máy và giấy phép lái xe vẫn chưa được chấm dứt. Ngày 29 tháng 6 năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông là một trong 7 giải pháp cấp bách mà các Bộ, ngành, các địa phương phải tập trung thực hiện quyết liệt. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22 – CT/TW của Ban Bí thư , Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm cụ thể sau đây: 1. Phối hợp với các cơ quan trên địa bàn, với ngành Công an, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động cuộc vận động: “Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông”; ký kết kế hoạch liên tịch giữa các ngành liên quan để tạo sức mạnh đồng bộ trong việc thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ và triển khai hiệu quả cuộc vận động trong các nhà trường. 2. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung vào các nội dung sau: a) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên là hoạt động trọng tâm, thường xuyên của các nhà trường. – Thường xuyên nhắc nhở, đưa thông tin liên quan đến trật tự an toàn giao thông vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội, trên bảng tin, trên Website của trường. – Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm những tập thể và cá nhân vi phạm quy định về an toàn giao thông. – Mỗi học sinh, sinh viên cam kết gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông như: không đi mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi quy định, khi chưa có giấy phép lái xe; không đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định khi điều khiển các phương tiện giao thông; không ném đất, đá lên tàu, không thực hiện hành vi cản trở, ảnh hưởng đến giao thông đường sắt; không qua đò khi chưa có áo phao; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe gắn máy. – Tích cực tổ chức có hiệu quả “Tháng an toàn giao thông quốc gia” vào tháng 9 hằng năm. b) Tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, thành lập các đội tự quản, cờ đỏ, thanh niên học sinh, sinh viên tình nguyện tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực cổng trường vào đầu giờ học và giờ tan học để nâng cao trách nhiệm và tính tự giác của học sinh, sinh viên. c) Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào nội quy nhà trường và là một trong các nội dung đánh giá thi đua năm học của địa phương và của ngành đối với các cơ sở giáo dục. 3. Đưa nội dung giáo dục trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên vào giảng dạy trong chương trình chính khóa. a) Đối với các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: trong “Tuần sinh hoạt công dân – học sinh, sinh viên” đầu khóa, cuối khóa, đầu năm học, dành ít nhất một buổi chuyên đề để học sinh, sinh viên nắm được các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có thu hoạch để đánh giá chất lượng người học. Phân bổ kinh phí cho công tác tuyên truyền, tổ chức hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về trật tự an toàn giao thông. b) Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông: triển khai nghiêm túc việc dạy học về trật tự an toàn giao thông trong chương trình chính khóa theo quy định. 4. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học, trình độ đào tạo của học sinh, sinh viên. 5. Đánh giá lại việc giáo dục trật tự an toàn giao thông trong thời gian qua trong phạm vi quản lý và báo cáo đề xuất các giải pháp thiết thực với cấp trên quản lý trực tiếp. Rà soát lại chương trình, nội dung, phương pháp, thời lượng giảng dạy về trật tự an toàn giao thông đang thực hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định hiện hành. 6. Đánh giá đạo đức đối với học sinh, sinh viên trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Kiên quyết cấm học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi quy định, không có Giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Tổ chức cho học sinh và gia đình cùng ký cam kết thực hiện nghiêm túc quy định về trật tự an toàn giao thông. Tăng cường thông tin giữa nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên. 7. Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về việc không triển khai hoặc triển khai không triệt để công tác tuyên truyền, giáo dục trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên và việc có học sinh, sinh viên vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông; hằng quý, báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo tình hình giáo dục trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên và số lượng học sinh, sinh viên vi phạm; số lượng học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên bị tai nạn giao thông và nguyên nhân. 8. Các Vụ: Giáo dục Trung học, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non và Viện chiến lược và Chương trình giáo dục nghiên cứu phương pháp, rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy trật tự an toàn giao thông cho học sinh trong các nhà trường phổ thông cho phù hợp và đảm bảo yêu cầu của Nghị quyết 32/2007/NQ-CP. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp quán triệt nội dung Chỉ thị này đến cán bộ, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên trong nhà trường, có biện pháp thích hợp, kiên quyết triển khai và đôn đốc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao cho Vụ Công tác học sinh, sinh viên là đơn vị chủ trì đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này. Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo./. Nguyễn Thiện Nhân |